top of page
Search

'Normal People' - vốn dĩ, chúng ta chỉ là những người bình thường.

  • Writer: Luan Nguyen
    Luan Nguyen
  • Mar 5, 2021
  • 5 min read

date. 2021

city. Ho Chi Minh City



tớ tin rằng, ít nhiều ai trong chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác biết yêu, khát khao yêu và được yêu. vào một lần tình cờ, tớ chợt xem được một đoạn quay ngắn của chuỗi phim 'normal people'. phải thừa nhận một điều rằng, tớ không phải là một con nghiện phim, càng không phải là một người sẽ sẵn sàng nói lên suy nghĩ và tâm tư của mình về bộ phim nào. có lẽ do cái duyên, và một chút mong muốn được cảm nhận cảm giác 'được yêu' đã đưa tớ đến bộ phim này.


tớ mong rằng, khi các cậu đọc được những dòng này, các cậu sẽ không quá áp đặt bản thân mình vào góc độ của một nhà phê bình phim. mà hơn tất, chúng ta hãy xem mình là một người khán giả, thưởng thức và cảm nhận một trong những kiệt tác điện ảnh dưới một góc nhìn không quá khắt khe, với tâm tư sẵn sàng đón nhận những tình tiết bất ngờ, và cuối cùng, là một tâm thái bao dung những tiểu tiết thiếu sót không đáng kể.


ngay từ tựa đề của bộ phim, 'normal people', ắt hẳn các bạn cũng cảm nhận được sự khác thường so với những hình ảnh con người được khắc hoạ với sự phi thường, với tình yêu mãnh liệt ở những bộ phim trước đó. cái tài của đạo diễn đó chính là đem vào bộ phim những khung hình quay chậm, những đoạn tiết tấu sâu lắng, khiến cho bản thân người khán giả như tớ buộc phải suy tư, trăn trở theo dòng suy nghĩ của nhân vật.


và phải chăng, cái tên 'normal people' chính là nguyên nhân dẫn đến mạch phim nhẹ nhàng đến như vậy? vì mỗi ngày trong phim, từng giây, từng phút, đều trôi qua từng nhịp như một cuộc sống quá đỗi thường nhật của một 'người bình thường'. từ đây, chính là động cơ thúc đẩy cho sự tuôn trào của dòng xúc cảm. khi càng lắng sâu vào mạch phim, ta càng hình dung rõ ràng được những đấu tranh tâm lý mà nhân vật đang gặp phải. điều đó lại càng dấn lên một thực tế phũ phàng rằng, một cuộc sống bình thường không hẳn là minh chứng cho một tâm tư thôi phức tạp. chúng ta, cùng nhân vật, đang khơi dậy lại những suy nghĩ mà khó lòng mà diễn đạt bằng lời.


như nhân vật Marianne, khác với hình ảnh một cô học sinh 'trơ cảm xúc' tại nơi trường lớp, trước tình yêu đầu đời - là Connell, cô như một đứa trẻ, với khát vọng 'được yêu'. khi yêu, ta luôn tự chất vất bản thân mình rằng, liệu ta có đang vì tình yêu mà cuồng si, liệu ta có đang vì những hi vọng dang dở mà vô tình biến mình thành những 'con thiêu thân', vì ngọn đèn sáng toả mà mặc cho sự cháy rụi của bản thân mình. rõ ràng, cô tự thừa nhận 'với thế giới' rằng, 'i'm smarter than anyone', nhưng vì tình yêu, cô đã bộc lộ rõ vẻ ngây ngô, hi sinh những cảm xúc của mình cho người cô yêu - cô chấp nhận không công khai mối quan hệ của mình, điều mà Connell mong muốn (lí do tớ sẽ đề cập sau). tớ không muốn bàn quá sâu về việc quan hệ trong phim, vì có lẽ điều đó cũng là một trong nhữnh yếu tố cấu thành cho một tình yêu bền vững. nhưng liệu điều gì đã khiến một cô gái sẵn sàng gửi gắm bản thân mình cho một chàng trai cô vừa bắt đầu hẹn hò cách đây chỉ ít phút? có lẽ, theo quan điểm và góc nhìn cá nhân của tớ, khi ngôn từ khó lòng nào diễn đạt được những cung bậc của xúc cảm, đó chính là cách Marianne chọn để bày tỏ tình yêu mãnh liệt của mình cho Connell. để rồi sau cùng, cái cô nhận được lại là sự không công nhận, một mối quan hệ 'literally in the closet*' (mình mượn tạm thuật ngữ này ở đây, vì thật sự mối quan hệ của họ chỉ giới hạn trong phạm vi ngôi nhà của hai người, họ chọn gởi gắm cảm xúc của mình vào sự tin tưởng). nhưng điều đó có phải chăng là lí do khiến cô sẽ thôi khát vọng về tình yêu, thôi hướng về chàng trai mà cô cho rằng là định mệnh của đời mình?


về phần Connell, ta không thể trách cậu vì phần hèn nhát được. bởi vì trong tâm tư cậu, đã vô tình hình thành nên nỗi sợ khi người xung quanh phán xét, từ đó bản năng cậu có xu hướng sẽ là những điều mà cộng đồng cho là lẽ phải, là điều nên làm. tớ thấy điều này không phải là mới. từ khi sinh ra, chúng ta đã có khái niệm về đám đông, hoặc tệ hơn, là những nỗi sợ về định kiến xã hội. điều đó đã khiến cậu đánh mất đi bản thân, và cả người cậu đem tình cảm gởi gắm - Marianne. nhưng, ta có thể thấy được ngọn lửa khát khao tình yêu của cậu không bao giờ tắt; cậu liên tục tìm mọi cách liên lạc với Marianne, vì cậu ý thức được một sự thật, rằng chỉ khi bên cạnh Marianne, cậu mới thực sự là chính mình. thật vậy, tớ chưa từng nghĩ rằng một bộ phim tình cảm (hoặc có thể do tớ không phải là một tín đồ của điện ảnh), lại khắc hoạ hình ảnh người đàn ông liên tục chạy theo người anh ta yêu, và thậm chí những phân cảnh rơi lệ của Connell liên tục gửi những đoạn tin nhắn thoại cho Marianne - một trong những cảnh quay phản ánh rất thực, khiến khán giả như mình cũng không khỏi bất ngờ và đồng cảm.


nếu ở Marianne, ta thấy được một cô gái luôn sẵn sàng bộc lộ những cảm xúc của bản thân mình; thì ở Connell, ta hình dung được một chàng trai trầm lắng, luôn bị những quan niệm tiêu cực, những suy tư, trăn trở điều hướng cho hành động của mình. nhưng ở cả hai, tớ cảm nhận được khát khao về tình yêu, rằng dù trải qua bao nhiêu mối quan hệ, rằng dù tiếp cận bao nhiêu đối tượng, thì ở họ, luôn hướng về đối phương, luôn sẵn sàng vì đối phương mà từ bỏ tất cả. đó cũng như là sợi dây kết nối vô hình, khiến sau những thăng trầm và biến động trong cuộc đời, thì ở đoạn cuối phim, họ vẫn là người cuối cùng ở cạnh đối phương.

tớ biết những gì tớ viết ra, chỉ là những tâm tư đơn giản của một người khán giả bình thường. nhưng hi vọng, một khi đã đọc đến những dòng cuối cùng này, cậu sẽ bao dung với ngôn từ của tớ.


và hi vọng, những ai đã yêu, đang yêu hoặc sẽ yêu, sẽ tiếp tục giữ mãi những niềm tin về tình yêu. vì khi con tim cậu vẫn còn đập liên hồi, thì những khát vọng về tình yêu trong cậu vẫn còn đó.


- @mluannn, Feb 18, 2021.

 
 
 

Comentarios


bottom of page